Tham quan những ngôi chùa nổi tiếng ở Hà Nội
Địa điểm du lịch

Tham quan những ngôi chùa nổi tiếng ở Hà Nội

Không chỉ có chợ Đồng Xuân, Phố cổ Hà Nội hay hồ Hoàn Kiếm mới là nơi đáng để bạn khám phá trong hành trình du lịch Hà Nội. Còn có rất nhiều những địa điểm khác nữa, mang đậm dấu ấn văn hóa, kiến trúc, truyền thống độc đáo của thủ đô này. Trong đó, bạn có thể lựa chọn tham quan những ngôi chùa nổi tiếng ở Hà Nội để được một lần lạc vào thế giới tâm linh, cổ kính với kiến trúc ấn tượng.

Chùa Hương

Chùa Hương nằm tại xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Đây là một trong những địa điểm tham quan, vãn cảnh đầu năm được nhiều du khách lựa chọn. Ngôi chùa được xây dựng trên ba khoảng sân rộng lát gạch. Trong đó, sân thứ ba dựng tháp chuông với ba tầng mái.

Đây là công trình kiến trúc cổ, mang nét độc đáo với hai đầu hồi tam giác trên tầng cao nhất. Chùa Chính (chùa Trong) được biết đến là động đá thiên nhiên, lối xuống động có cổng lớn, ghi bốn chữ “Hương Tích động môn”. Cứ mỗi dịp lễ, tết, chùa Hương lại đông đúc hơn hẳn, nhờ du khách và người tham gia lễ hội chùa Hương vào tháng 3 âm lịch.

Chùa Hương là một trong những địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng ở Hà Nội
Chùa Hương là một trong những địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng ở Hà Nội

Khi đến đây du khách sẽ có cơ hội được trải nghiệm cái thú trèo non hòa nhập với thiên nhiên hùng vĩ. Được biết, lối đi dẫn vào chùa Hương mang nhiều nét bí ẩn, trong đó đặc biệt nhất phải kể đến động Hương Tích có hình thù của con rồng đang há miệng. Đặc biệt, trên vách đá có nhiều chữ Hán Cổ từ năm 1770. Phía bên trong hang có đặt nhiều tượng Phật được tạc từ đá xanh như tượng Đức Phật, tượng Quan Âm. Không khí bên trong chùa rất mát mẻ và trong lành giúp khách du lịch cảm thấy thanh thản, yên bình.

Chùa Trấn Quốc

Nằm ở phía đông Hồ Tây, Hà Nội, chùa Trấn Quốc là một trong số những địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của thủ đô. Ngôi chùa này được xây dựng dưới thời nhà Lý – Trần, từng là trung tâm Phật giáo kinh thành Thăng Long. Các đời vua Lý, Trần vẫn thường hay vãn cảnh và ngự giá cúng lễ vào các dịp lễ, Tết tại chùa bởi vậy mà có nhiều cung điện đã được xây dựng tại đây. Đến nay, chùa Quốc Trấn cũng là một trong số những địa điểm du lịch được đông đảo du khách gần xa lựa chọn khám phá.

Công trình có diện tích khoảng 3.000 mét vuông, bao quanh nhiều cây xanh và hồ nước phía trước, tạo nên khung cảnh cực kỳ thơ mộng. Chùa được xây dựng theo hệ phái Bắc tông, với 3 khu vực chính, đó là: tiền đường, nhà thiêu hương và thượng điện nối nhau. Cứ vào các ngày rằm hay mùng một, ngày tết, người dân thủ đô cũng như du khách ghé đến chùa Trấn Quốc cầu sức khỏe, may mắn nhiều.

Chùa Trấn Quốc – một trong những ngôi chùa nổi tiếng tại Hà Nội
Chùa Trấn Quốc – một trong những ngôi chùa nổi tiếng tại Hà Nội

Vào năm 1998, ngôi Bảo Tháp lục độ đài sen được xây dựng, đến năm 2003 thì hoàn thành tạo thành khu vườn tháp của chùa. Ngôi Bảo Tháp cao 15 mét, bao gồm 11 tầng. Ở mỗi tầng tháp có đặt một pho tượng Phật A Di Đà bằng đá quý màu trắng trong mỗi ô cửa hình vòm. Bảo Tháp được dựng đối xứng với cây bồ đề do Tổng thống Ấn Độ tặng năm 1959 trong chuyến đến thăm thủ đô Hà Nội của ông. Cây bồ đề này được chiết từ cây đại bồ Đạo Tràng – nơi mà Đức Phật Thích Ca ngồi hành đạo cách đây hơn 25 thế kỷ.

Chùa Một Cột

Chùa Một Cột còn được biết đến với tên gọi khác là chùa Mật, Diên Hựu Tự hay Liên Hoa Đài. Ngôi chùa này nằm ở khu vực trung tâm của thủ dô Hà Nội. Công trình thu hút du khách bởi kiến trúc độc đáo, với chất liệu chủ yếu là gỗ, có một cột trụ chính bằng đá, phía trên cột là một ngôi chùa nhỏ.

Bao quanh chùa là một hồ nước trong xanh với hàng ngàn đài sen nở rộ. Để vào bên trong chùa, du khách sẽ phải bước qua 13 bậc gạch, tiến sâu hơn vào chính giữa, bạn sẽ khá ngạc nhiên với tượng Phật Quan Âm ngồi trên đài sen, có kích thước khổng lồ, đang tỏa ánh hào quang. Qua nhiều năm, chùa Một Cột đã được cải tạo, phục hồi nhiều lần qua các triều đại của nhà Trần, Hậu Lê và Nguyễn. Chùa Một Cột hiện nay chỉ là một phần của quần thể kiến trúc chùa Diên Hựu ngày xưa.

Chùa Một Cột – công trình kiến trúc tâm linh độc đáo và ấn tượng
Chùa Một Cột – công trình kiến trúc tâm linh độc đáo và ấn tượng

Tương truyền, chùa được xây theo giấc mơ của vua Lý Thái Tông (1028 – 1054) – vị vua thứ hai của Triều Lý và theo gợi ý thiết kế của nhà sư Thiền Tuệ. Theo đó, vào tháng 10 Âm lịch năm 1049 (tức năm Kỷ Sửu), vua Lý Thái Tông cho khởi công xây dựng chùa Diên Hựu. Theo truyền thuyết kể lại, vua Lý Thái Tông (1028-1054) nằm mơ thấy Phật Bà Quan Âm ngồi trên tòa sen đưa vua lên tòa. Nhà vua đã kể lại câu chuyện đó với nhà sư Thiền Tuệ, khi ấy nhà sư đã khuyên vua xây chùa với hình dáng tòa sen của Phật Bà Quan Âm như trong chiêm bao, dựng các cột kèo bằng gỗ lim và cho các nhà sư đi vòng quanh tụng kinh xin cầu phước đức và phù hộ của Phật Bà.

Chùa Láng

Chùa Láng nằm trên bàn quận Đống Đa, Hà Nội. Ngôi chùa này còn được biết đến với tên gọi khác là Chiêu Thiền Tự. Ngôi chùa được xây dựng với kiến trúc độc đáo và hài hòa, từng được coi là “tệ nhất tùng lâm” tại khu vực phía Tây thành Thăng Long xưa. Chùa Láng rất đặc biệt, ấn tượng và linh thiêng. Ngôi chùa được xem là vùng đất “tiền Phật, hậu Thánh”, có nghĩa là vào ngày lễ đặc biệt liên quan đến Thiền Sư, thì được quyền dâng lễ mặn để cúng ngài. Những người hữu duyên, thường đến đây để cầu cho gia đạo bình yên hạnh phúc, cầu có con nối dõi, cầu công danh sự nghiệp thuận lợi.

 Chùa Láng có kiến trúc phần cổng gần giống cổng vua phủ ngày xưa, với 4 cột trụ vuông và 3 mái che. Các mái được gắn với giàn sườn, mái ở cổng chính cao hơn hai mái ở cổng phụ. Hình ảnh, làm liên tưởng đến lối kiến trúc mái trong nghệ thuật thiết kế cồng Phủ Chúa. Tiến sâu vào bên trong, bạn sẽ được tận hưởng một không khí mát mẻ, với sân chùa thoáng đãng, ở giữa có một chiếc sập bằng đá, dùng để đặt kiệu trong các ngày lễ hội. Chùa Láng cũng được biết đến là một trong số những ngôi chùa sở hữu nhiều tượng Phật nhất Việt Nam, với 198 pho tượng.

Chùa Láng là một trong những công trình kiến trúc cổ kính nổi tiếng ở Hà Nội
Chùa Láng là một trong những công trình kiến trúc cổ kính nổi tiếng ở Hà Nội

Vào các năm 1901, 1989: Ngôi chùa có bước chuyển mình quan trọng trong kiến trúc và diện tích khuôn viên chùa (trùng tu). Chùa Láng, cứ mỗi năm tổ chức nhiều lễ hội, để phật tử cả nước trở về cùng nhau hội ngộ, chia sẻ những điều hay và cầu nguyện, dâng hương. Một số lễ hội nổi bật khi nhắc đến chùa Láng: Hội thầy Sư Từ Đạo Hạnh (ngày 7/3 theo âm lịch), lễ hội mùa xuân ( khai bút, cầu nguyện, nhân duyên,..), lễ hội trăng rằm, lễ hội vu lan (mùa báo hiếu),…

Chùa Láng mở cửa đón khách vào tất cả các ngày trong tuần từ lúc 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Lưu ý: Nếu vào các ngày lễ lớn thì thời gian được kéo dài hơn.

Chùa Bộc

Nằm tại phường Quang Trung, Quận Đống Đa, Hà Nội, chùa Bộc là một công trình kiến trúc tâm linh, gắn liền với chiến thắng Kỷ Dậu năm 1789 của quân Tây Sơn. Trước đây, ngôi chùa này chỉ là nơi thờ Phật, nhưng sau đó thờ thêm các vị vua có công với dân tộc và những người đã chế trận.

Theo tấm bia cổ nhất ở chùa có niên hiệu Vĩnh Trị năm Bính Thìn (1676) thì chùa được xây dựng từ thời Hậu Lê. Chùa đã bị đốt cháy trong cơn binh lửa của trận đại phá quân Thanh ở gò Đống Đa (1789). Ba năm sau, sư cụ trụ trì là Lê Đình Lượng tự là Đức Sương đã quyên cúng và trùng tu lại , còn trong dân gian gọi tên là “Chùa Bộc” (hàm ý có phần quy y cho những vong hồn chết trận, tử thi bị bộc lộ ở ngoài đồng sau trận đánh chớp nhoáng của nghĩa quân Tây Sơn Quang Trung Nguyễn Huệ). Từ đó đến nay chùa đã qua nhiều lần tu sửa.

Chùa Bộc gắn liền với lịch sử và cũng sở hữu kiến trúc vô cùng độc đáo và ấn tượng
Chùa Bộc gắn liền với lịch sử và cũng sở hữu kiến trúc vô cùng độc đáo và ấn tượng

Chùa Bộc có vị thế cao ráo, phía trước tháp có hồ rộng. Kiến trúc chùa bao gồm: cổng Tam Quan, Tam Bảo, nhà thờ Tổ, nhà thờ Mẫu, vườn tháp. Hiện nay, chùa Bộc còn lưu giữ nhiều cổ vật, các di sản quý để du khách có cơ hội tham quan, tìm hiểu. Có hồ tắm voi, gò kéo cờ, gò đánh cồng là những dấu tích liên quan đến cuộc chiến đấu của vua Quang Trung ở vùng này vào ngày mùng 5 tết âm lịch năm Kỷ Dậu (1789). Không những thế, ngôi chùa này còn bảo tồn được được nhiều di vật quý gồm các pho tượng Phật, 3 bia cổ (bia Vĩnh Trị nguyên niên thời vua Lê Huy Tông (1676), bia Chính Hòa, năm Bính Dần (1686) và bia Nhâm Tí niên hiệu Quang Trung (1792), một quả chuông có niên hiệu Cảnh Thịnh. Có thể nói chùa Bộc như một điểm tham quan tâm linh và tìm hiểu về văn hóa, nghệ thuật không thể bỏ qua của du khách khi đến Hà Nội du lịch.

Ngoài các ngôi chùa cổ kính, trong chuyến du lịch Hà Nội, bạn có thể chọn khám phá thêm các khu phố cổ, chợ truyền thống, cung đường mộc mạc,… Có rất nhiều ý tưởng khác nhau cho chuyến du lịch của bạn tại thủ đô này. Và nếu muốn tiết kiệm thời gian đi chuyển đến Hà Nội, cũng như tham quan nhiều nơi, bạn hãy chọn đặt vé máy bay thật sớm. Hiện nay có nhiều hãng hàng không khai thác hành trình đến Hà Nội với mức vé đa dạng, khung giờ khác nhau. Bạn có thể liên hệ các phòng vé máy bay uy tín thật sớm để có vé phù hợp nhất!

Post Comment