Nếu bạn muốn tìm hiểu về lịch sử, giá trị văn hóa của thủ đô Hà Nội, hãy chọn đến các làng nghề truyền thống. Nơi đây lưu giữ nhiều nét đẹp ấn tượng với kiến trúc, các nghề thủ công truyền thống, cuộc sống bình dị của người dân. Dành một ngày để dạo bước quanh những làng nghề truyền thống ở Hà Nội, bạn sẽ có cảm nhận ấn tượng và khác biệt đấy.
Làng gốm Bát Tràng
Làng gốm Bát Tràng là nơi nổi tiếng với những sản phẩm gốm sứ tinh xảo, đẹp mắt. Nơi đây còn thu hút đông đảo du khách đến tham quan mỗi năm. Đến với làng gốm Bát Tràng, du khách sẽ được tìm hiểu về lịch sử ngành gốm sứ, lựa chọn cho mình những chiếc bát, chậu cậy, tranh tưởng, chuông gió,… thủ công tuyệt đẹp. Gốm Bát Tràng được làm từ kỹ thuật tạo men, nung lò vô cùng tỉ mỉ, chuẩn xác. Nhờ đó, các sản phẩm luôn đạt được sự hài hòa cả về hình thể lẫn màu sắc.
Theo lịch sử ghi chép lại thì vào năm 1010 vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long. Với nhu cầu phát triển kinh tế cũng như thấy được tiềm năng của nơi đây này nên nhiều thương nhân và thợ thủ công đã chọn vùng đất này là nơi lập nghiệp. Và thời kỳ phát triển mạnh nhất của làng gốm Bát Tràng là vào thế kỷ XV – XVIII, lúc này các nước Tây Âu tràn sang châu Á, góp phần làm cho hoạt động giao thương buôn bán ngày càng phát triển.
Tuy nhiên đến thế kỷ XVIII – XIX hoạt động buôn bán gốm sứ bị trì trệ do Chúa Trịnh Nguyễn ban hành chính sách hạn chế ngoại thương với các nước khác. Ngày nay, làng gốm Bát Tràng đã có sự phát triển vượt bậc về sản phẩm và quy mô, thay thế các hợp tác xã thành các công ty chuyên kinh doanh và hộ gia đình sản xuất gốm sứ nổi tiếng.
Làng lụa Vạn Phúc
Thêm một làng nghề truyền thống nổi tiếng nữa ở Hà Nội mà bạn nên khám phá đó chính là làng lục Vạn Phúc. Nơi này nằm cách trung tâm thủ đô chừng 10km, tọa lạc ở quận Hà Đông. Lục Vạn Phúc được đánh giá cao về độ bền chắc, tinh xảo, các đường nét hoa văn ấn tượng, sang trọng và tinh tế.
Trong làng hiện có hơn 300 hộ kinh doanh, sản xuất các mặt hàng lụa tơ tằm. Một số sản phẩm nổi bật ở làng lục Vạn Phúc như vải lụa tơ tằm, lụa tiến vua, lụa hai da, áo dài cao cấp,… Các gian hàng trưng bày nhiều sản phẩm mới, các mẫu thiết kế thời trang, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ làm từ lụa nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài nước. Đến đây, ngoài xem quy trình dệt lụa, bạn cũng có thể chọn mua rất nhiều sản phẩm khác nhau làm quà cho bạn bè, người thân.
Đặc biệt để khẳng định bản sắc riêng, phát triển du lịch bền vững, phường Vạn Phúc đã xây dựng các tuyến phố Lụa kết hợp với các ngành nghề phụ trợ để phục vụ khách du lịch như: khu phố ẩm thực, phố sinh vật cảnh, trung tâm giao lưu văn hóa đồ cổ, phát triển loại hình lưu trú, mua sắm. Ngoài ra, nơi đây đã thành lập Hợp tác xã Vụn Art, mang lại thu nhập cho người khuyết tật bằng việc sử dụng các vải lụa vụn để ghép tranh lụa xuất khẩu ra nước ngoài.
Làng mây tre đan Phú Vinh
Làng nghề này ra đời và phát triển từ thế kỷ thứ 17. Nơi đây nổi tiếng với nghề mây tre đan, với các nguyên liệu chính là tre, nứa, trúc,… Dưới bàn tay khéo léo của những người thợ, các sản phẩm này được làm ra vô cùng xuất sắc và có kiểu mẫu độc đáo.
Một số sản phẩm nổi bật mà bạn sẽ tìm thấy ở làng nghề Phú Vinh như: rổ, khay, lọ đựng hoa,… Với sự đa dạng cũng như thiết kế nổi bật, những sản phẩm mây tre đan ở làng nghề Phú Vinh được bán rộng rãi trên thị trường và được nhiều người yêu thích.
Theo dòng lịch sử, nghề mây tre đan truyền thống đã tồn tại và phát triển hơn 400 năm. Làng Phú Vinh được hình thành từ năm 1700, với tên gọi ban đầu là làng Phú Hoa Trang (Trời phú cho dân có bàn tay lụa), vì người dân nơi đây có bàn tay khéo léo, điệu nghệ, giỏi đan lát mây tre. Trước đây, đồ mây tre đan Phú Vinh sản xuất chủ yếu là để phục vụ cho cuộc sống hàng ngày như: Thúng mủng, dần, sàng, túi, hộp … Ngày nay, làng có nhiều mẫu mã, chủng loại đòi hỏi kỹ thuật cao như tranh chân dung, phong cảnh, hoành phi câu đối, chim thú hay sản phẩm gốm sứ quấn mây, các đồ dùng trang trí nội thất như: chao đèn, rèm cửa…
Làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu
Du lịch Hà Nội với kế hoạch khám phá các làng nghề truyền thống thì bạn đừng bỏ qua làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu. Đây là một làng nghề nổi tiếng, mang giá trị văn hóa độc đáo của người Việt Nam. Để làm ra những nén hương, người thợ phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau, đó là: chẻ tre, vót tăm, nhuộm chân hương, làm thân hương, gói sản phẩm.
Tất cả các công đoạn này đều làm thủ công bằng tay, với sự tỉ mỏ khéo léo tối đa. Những cây hương khi thành phẩm, vừa đẹp, vừa thơm lại có màu sắc bắt mắt. Đây cũng là những sản phẩm tâm linh mà nhiều chùa chiền lựa chọn để thắp hàng ngày.
Trong hành trình khám phá làng hương Quảng Phú Cầu, bạn sẽ có cơ hội ngồi lại cùng người dân địa phương, nghe họ kể về những điều kiện tiên quyết để làm nên những bó hương hoàn chỉnh. Nguyên liệu dùng để làm hương phải được lựa chọn cẩn thận bởi nghề này vốn mang nhiều yếu tố tâm linh, thế nên người dân chẳng dám làm qua loa, sơ sài. Phần vầu dùng để làm tăm hương phải đủ “tuổi”, trải qua quá trình sàng lọc kỹ càng mới được mang đi hoàn thiện. Nếu trước kia, người dân thường vót vầu theo phương thức thủ công thì ngày nay, họ đã nhờ tới máy móc để kịp hoàn thành đơn hàng.
Đặc biệt, nếu may mắn đến làng hương vào đúng ngày nắng đẹp, chỉ cần đi dạo quanh một vòng là bạn sẽ dễ dàng nhìn thấy hình ảnh người dân phơi tăm hương. Đây được xem là khoảnh khắc đẹp nhất và lý tưởng nhất để bạn có thể chụp được những bức ảnh đẹp.
Làng chuồn chuồn tre Thạch Xá
Một trong những món đồ lưu niệm đậm chất Hà Nội đó chính là chuồn chuồn tre. Ở đây có hẳn một làng nghề truyền thống, chuyên làm ra những con chuồn chuồn tre đẹp, có tên là làng Thạch Xá. Khi ghé thăm ngôi làng này, bạn sẽ bị cuốn hút bởi hàng loạt gian hàng bày đủ các loại chuồn chuồn tre, màu sắc bắt mắt, đa dạng, đáng yêu. Bạn cũng có thể dành vài giờ để trải nghiệm hoạt động tự mình làm chuồn chuồn, tô màu, đóng gói,… Đây là một trong những làng nghề nổi tiếng ở Hà Nội mà bạn không nên bỏ lỡ.
Lúc đầu, khi chuồn chuồn tre ra đời chỉ được biết đến như món đồ chơi ấu thơ cho bao đứa trẻ, hay là một món quà trong các lễ hội truyền thống. Trẻ con ham thích những sắc màu rực rỡ, sự độc đáo khi chúng có thể đứng trên tay hay trên cành cây bất kỳ, mang tới một niềm thích thú vui vẻ cho tuổi thơ đùa nghịch. Sự tươi mới và những gam màu sắc sẽ giúp kích thích óc sáng tạo, khả năng tư duy và giảm bớt áp lực công việc hơn là một bàn làm việc khô cứng chỉ với máy tính và đôi ba tệp giấy. Chuồn chuồn tre Thạch Xá đã vượt ra khỏi lũy tre làng và được tiêu thụ mạnh mẽ tại thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc,…
Làng nón Chuông
Đây là một làng nghề truyền thống nổi tiếng ở Hà Nội, nằm tại huyện Thanh Oai. Làng nón Chuông có từ nhiều thế kỷ trước. Đây là nơi sản xuất ra những chiếc nón truyền thống đẹp, hoàn toàn thủ công bằng tay. Những chiếc nón lá gắn liền với hình ảnh áo dài, phụ nữ Việt Nam. Tại đây, bạn có thể lựa chọn những sản phẩm như: nón lá, nón quai thao, nón tơi, nón Thái Lan, nón Lâm Xung,…
Vào thế kỷ thứ 8 – 791 năm Tân Mùi, theo các bậc cao niên trong làng thì ban đầu làng Chuông có tên là Trang Thì Trung, về sau đông dân hơn nên được mở rộng thành làng. Đầu thời Lên Sơ, làng Chuông đã rất đông đúc. Lúc đó, làng Chuông sản xuất nhiều loại nón, dùng cho nhiều tầng lớp như nón ba tầm cho các cô gái, nón nhô, nón long, nón dấu, nón chóp cho các chàng trai và những người đàn ông sang trọng.
Trước thế kỷ 20, những sản phẩm nón lá truyền thống của làng Chuông là nón ba vòng. Đấy là loại nón gần giống nón quai thao nhưng có ba vòng đấu, có thành tương đối nông. Nón có kích thuớc to và dành cho người nông dân làm đồng nên không được khâu kỹ. Có thể nói để làm được một sản phẩm nón làng Chuông hoàn chỉnh thì cần rất nhiều công đoạn, mỗi công đoạn đều phải tuân thủ những nguyên tắc thực hiện nhất định.
Trên đây là những làng nghề truyền thống độc đáo ở Hà Nội mà bạn nên dành thời gian ghé thăm một lần. Bên cạnh đó, sẽ còn có nhiều làng nghề truyền thống khác nữa để bạn khám phá trong hành trình của mình, chẳng hạn: làng thêu ren Quất Động, làng rối nước Đào Thục,… Để có thể ghé thăm hết các làng nghề, cũng như nhiều địa điểm du lịch khác, bạn hãy lên kế hoạch kỹ càng.