Được xem là thủ phủ của Đồng bằng sông Cửu Long, Cần Thơ chắc chắn là một trong những điểm dừng chân hấp dẫn và rất đáng mong chờ dành cho mọi du khách. Đến với nơi đây bạn sẽ được cảm nhận sự yên bình của miền Tây, đi chợ nổi tấp nập mỗi sáng, hay ghé qua những khu du lịch miệt vườn trái cây trĩu quả, chiêm ngưỡng các công trình kiến trúc cổ xưa đặc sắc mà ở Cần Thơ còn lưu giữ. Thế nhưng đó chưa phải là tất cả. Bởi Cần Thơ còn thu hút du khách gần xa với những làng nghề truyền thống mộc mạc, bình dị mang đậm văn hóa miền Tây sông nước. Trong số đó có thể nhắc tới những làng nghề truyền thống nổi tiếng ở Cần Thơ tiêu biểu dưới đây.
Làng Bánh tráng Thuận Hưng
- Địa chỉ: xã Thuận Hưng, huyện Thốt Nốt, Cần Thơ
Có địa chỉ tại khu vực Tân Phú, thuộc phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ, làng nghề bánh tráng Thuận Hưng là một trong những làng nghề có tiếng nhất Tây Đô và cả khu vực miền Tây. Với hơn 200 năm làm nghề cùng tất cả 500 lò bánh ngày đêm rực lửa, trải qua bao thăng trầm, nghề làm bánh nơi đây vẫn được duy trì và chưa hề mai một.
Ban đầu chỉ có một số ít hộ bán bánh phục vụ vào dịp Tết. Thế nhưng nhờ độ thơm ngon đặc biệt mà tiếng lành đồn xa, làng bánh tráng Thuận Hưng ngày càng được nhiều người biết tới. Cũng từ đó mà các lò bánh mới mọc lên nhiều và phát triển như hiện nay.
Bánh tráng ở đây cũng có đủ loại khác nhau, từ bánh mặn đến bánh lạt rồi bánh tráng dừa, bánh nem. Sở dĩ bánh của làng được ưa chuộng là vì người dân ở đây dùng hoàn toàn bằng bột gạo và có bí quyết riêng trong khâu pha bột. Gạo dùng làm bánh phải là gạo sản xuất ở vùng Thốt Nốt. Sau khi thu hoạch về sẽ để trong 4 – 6 tháng mới mang ra làm bánh. Bởi nếu gạo mới quá thì bánh dễ rã, nướng không giòn đều, nhưng gạo cũ quá bánh nướng lên xốp nhưng không giữ được vị ngọt.
Làng đan lọp Thới Long
- Địa chỉ: xã Thới Long, huyện Ô Môn, Cần Thơ
Làng đan lọp Thới Long nằm ở xã Thới Long, huyện Ô Môn, Cần Thơ. Nơi đây nổi tiếng với nghề đan lọp bắt tép (dụng cụ bắt con tép). Lọp của làng Thới Long không chỉ được người dân Cần Thơ sử dụng, mà còn được nhiều địa phương khác ưa chuộng như Đồng Tháp, An Giang, Sóc Trăng,… Lọp ở đây được đánh giá cao bởi chất lượng tốt, mẫu mã đa dạng với đủ các loại lọp bắt tép, lọp bắt cá, lọp bắt lươn… Mỗi năm làng làm ra khoảng gần 500 nghìn sản phẩm cung cấp cho thị trường gần xa.
Với hơn 300 hộ gia đình làm nghề đan lọp, đến thăm làng đa lọp Thới Long du khách không chỉ có dịp được tìm hiểu nhiều hơn về một ngành nghề của người dân miền sông nước, mà còn biết thêm nhiều thông tin hữu ích và bao câu chuyện gắn với chiếc lọp bắt cá đơn sơ.
Từ tháng 5 đến tháng 10 âm lịch hàng năm được xem là mùa cao điểm ở làng với bầu không khí vô cùng nhộn nhịp và khẩn trương. Vào lúc này, nhà nhà đều tập trung làm lịp để cung cấp những sản phẩm tốt nhất cho người dân Đồng bằng sông Cửu Long đánh bắt thủy sản khi vào mùa nước nổi.
Làng hoa Thới Nhựt
- Địa chỉ: phường An Bình, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Nhắc đến những làng nghề truyền thống nổi tiếng ở Cần Thơ, cũng không thể không nhắc đến làng hoa Thới Nhựt. Nằm cách trung tâm thành phố khoảng 3km, làng hoa thuộc phường An Bình, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ với lịch sử trồng hoa gần 100 năm.
Còn được gọi là làng hoa Bà Bộ, làng hoa Thới Nhựt không chỉ nổi tiếng ở Tây Đô mà còn là làng hoa lâu đời và được biết đến rộng rãi khắp vùng gần xa. Làng chuyên về trồng hoa và cây cảnh với rất nhiều loại hoa được người dân miền Tây yêu thích như: mai vàng, cúc mâm xôi, cúc đồng tiền, hoa giấy, hoa hồng, hướng dương,…và cả nhiều loại kiểng treo.
Thời điểm làng hoa xôm tụ nhất có lẽ là vào những ngày giáp tết với không gian đầy màu sắc của luống hoa được trồng theo hàng đua nhau khoe sắc nở rộ, trải khắp một vùng. Vào lúc này tiếng nói cười của người mua kẻ bán và cả tiếng du khách tham quan, chụp ảnh, càng khiến làng hoa trở nên nhộn nhịp và vui tươi đến lạ. Những năm gần đây, làng hoa đã bắt đầu nhập nhiều giống mới về với nhiều loại và màu sắc phong phú hơn. Hứa hẹn mang tới cho những người yêu hoa thật nhiều sắc màu xinh đẹp.
Làng đan lưới Thơm Rơm
- Địa chỉ: Ấp Tân Lợi 2, xã Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ
Cùng với làng bánh tráng Thuận Hưng, về quê hương Thốt Nốt du khách còn có cơ hội được ghé thăm làng đan lưới Thơm Rơm. Đây là làng nghề đã tồn tại và phát triển hơn 30 năm nay và là một trong những làng nghề lâu đời nổi tiếng của xứ gạo trắng nước trong.
Giống như tên gọi của mình, làng Thơm Rơm chuyên cung cấp đầy đủ các thể loại lưới chài cho bà con trong vùng và cả các vùng lân cận. Về với nơi đây, du khách khong chỉ được đắm mình trong khung cảnh miền quê bình dị đậm chất miền Tây mà còn được tìm hiểu thêm về cách làm lưới đầy thú vị và lắng nghe những câu chuyện đầy hấp dẫn từ người dân địa phương.
Lưới được đan từ làng lưới Thơm Rơm cũng nức tiếng gần xa bởi sự chắc chắn, bền và dễ đánh bắt cá. Mỗi một tấm lưới đều được người dân tỉ mẩn làm từng công đoạn, để vừa đảm bảo tính thẩm mỹ vừa có chất lượng tốt nhất. Nghề đan lưới ở đây trở thành một nghề chính nuôi sống biết bao gia đình qua nhiều thế hệ ở làng và hiện vẫn được gìn giữ để truyền lại cho con cháu mai sau.
Làng nghề chằm nón lá
- Địa chỉ: Ấp Thới Thuận A, thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ
Với những ai thích tìm hiểu về văn hoá và truyền thống địa phương, địa điểm du lịch nổi tiếng ở Cần Thơ tiếp theo không nên bỏ qua là Làng nghề chằm nón lá, nằm ở ấp Thới Tân A. Với tuổi đời khoảng trên 70 năm, nghề này hiện nay đã thành lập được Nghiệp nghề với hơn 36 hộ sống với nghề.
Khác với nón Bài Thơ nổi tiếng của xứ Huế hay miền Bắc, làng chằm nón Cần Thơ lại được biết tới với loại nón làm từ lá cật mật và lá trúc. Vì mỗi cây chỉ cho một lá non để làm nên loại nón này khá hiếm. Đặc biệt nón sau khi làm có tính thẩm mỹ cao, bền đẹp, sờ vào mượt mà nên được rất nhiều người yêu thích. Các loại nón từ làng cũng khá đa dạng như: nón đi đồng, nón đi chơi,… Để làm ra một chiếc nón hoàn chỉnh là cả một quá trình dài và vô cùng công phu với rất nhiều khâu khác nhau từ làm khung, chuốt vành, đan lá, chằm nón… Trong đó, mỗi một công đoạn đều là mồ hôi và sự tỉ mẩn, khéo léo của người làm.
Nón lá sau khi làm hoàn thành sẽ được quét một lớp mỏng dầu bóng pha với xăng nhằm tăng độ bóng, chống thấm nước và tăng độ bền cho sản phẩm. Nếu có dịp du lịch Cần Thơ, ghé thăm làng nghề chằm nón này bạn sẽ có cơ hội được trực tiếp quan sát và tìm hiểu quá trình phức tạp để làm ra một chiếc nón. Cùng với đó còn là dịp được trò chuyện, giao lưu để hiểu nhiều hơn về cuộc sống của người dân sông nước Miền Tây.
Làng hủ tiếu Cái Răng
- Địa chỉ: quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ
Làng nghề truyền thống làm hủ tiếu ở Cái Răng cũng là một trong những làng nghề lâu đời và được biết đến khắp vùng. Mặc dù hiện nay phần lớn các công đoạn làm hủ tiếu đều sử dụng máy móc hiện đại, thế nhưng nhiều hộ dân ở làng nghề này vẫn giữ được cách làm truyền thống bằng tay ở tất cả các công đoạn. Cũng chính điều này đã tạo nên cho Cái Răng một loại hủ tiếu dai ngon, được nhiều người ưa chuộng.
Để làm ra được những sợi hủ tiếu chất lượng, người ta phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau. Từ đãi gạo, ngâm, xay, tráng bánh, phơi rồi cắt sợi, đóng gói. Mỗi gia đình ở Cái Răng đều có bí quyết làm riêng biệt để cho ra những sản phẩm là phiên bản tốt nhất của mình. Du khách khi về đây không chỉ được đến tham quan tận nơi những nhà xưởng hay các hộ gia đình làm hủ tiếu để xem quy trình làm hủ tiếu. Mà hơn thế bạn còn có thể mua một ít về làm quà hay thưởng thức những tô hủ tiếu ven đường thơm ngon ở đây nữa đấy nhé!
Mỗi một làng nghề là một sắc màu riêng, là điểm đến thú vị dành cho du khách để được tìm hiểu về các nghề thủ công truyền thống mà người dân xứ Tây Đô đã gìn giữ, phát huy qua bao thế hệ. Với nhiều hoạt động trải nghiệm hấp dẫn, các địa điểm này hứa hẹn sẽ mang đến cho du khách thật nhiều những kỷ niệm đáng nhớ trong hành trình khám phá của mình. Tuy nhiên, bạn cũng đừng quên mua vé máy bay đi Cần Thơ sớm từ hôm nay để được hỗ trợ săn vé giá rẻ và tư vấn các vấn đề khác nhé!
- Attractions4.0
- Staff5.0
- Food3.0
- Price4.0